Tra cứu Tra cứu kết quả
06:20 | 22/01/2024

PHỎNG VẤN XIN VIỆC VÀ “TIPS” TRẢ LỜI PHỎNG VẤN THU HÚT NHÀ TUYỂN DỤNG BẠN BIẾT CHƯA?

Nhiều ứng viên trước khi tìm được một công việc phù hợp đã phải trải qua nhiều lần phỏng vấn xin việc và không ít lần thất bại. Câu hỏi được đặt ra “Tại sao bản thân mình lại thất bại trong buổi phỏng vấn đó”, dường như câu hỏi này cũng chưa được nhiều ứng viên lưu tâm, tìm ra nguyên nhân và cách để cải thiện. Vì vậy, để không lãng phí thời gian và công sức cho những buổi phỏng vấn “ra về tay không”, các bạn ứng viên hãy trang bị cho mình những kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc cần thiết nhất. Hãy cùng Bảo Việt Nhân thọ khám phá về kỹ năng này nhé!

Xem nhanh

Phỏng vấn xin việc là gì?

Là quá trình hỏi đáp, trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề việc làm giữa nhà tuyển dụng (Công ty, doanh nghiệp) với người xin việc (Ứng viên). Mục đích của nhà tuyển dụng là tìm ra ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc mà công ty đang cần. Mục đích của ứng viên là tìm được công việc phù hợp với khả năng chuyên môn, đáp ứng được các nhu cầu cá nhân.

Các thông tin cần chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

a, Trước khi phỏng vấn

Đầu tiên, xác nhận tham gia phỏng vấn

Hãy xác nhận tham gia phỏng vấn một cách lịch sự và phù hợp ngay khi nhận được thông báo qua email/ điện thoại từ NTD (Nhà tuyển dụng)

Thứ hai, chuẩn bị kiến thức

Ôn luyện lại kiến thức liên quan đến công việc, giới thiệu bản thân, kinh nghiệm bạn có, các tình huống giả định có thể xảy ra hoặc có thể lường trước được khi NTD đưa ra câu hỏi

Thứ ba, chuẩn bị thông tin

Mang theo CV (ít nhất 2 bản), tài liệu và ấn phẩm có liên quan đến mô tả công việc của vị trí mà bạn ứng tuyển

Thứ tư, chuẩn bị đi phỏng vấn

Lưu ý về thời gian (nên đến trước 10 phút), trang phục (gọn gàng, lịch sự), tâm thế (tự tin, bình tĩnh), hình thức buổi phỏng vấn (lưu ý nếu phỏng vấn online cần kiểm tra đường truyền, âm thanh,... trước khi tham gia), quãng đường và phương tiện di chuyển.

b, Trong buổi phỏng vấn

Điểm cần lưu ý trong quá trình phỏng vấn:

  • Giọng nói rõ ràng, âm lượng vừa đủ
  • Tư thế, tác phong tự tin
  • Nhìn thẳng vào NTD
  • Trả lời đúng trọng tâm câu hỏi

c, Sau buổi phỏng vấn

Bạn nên:

  • Gửi thư cảm ơn để thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng
  • Bổ sung thông tin
  • Giữ liên lạc với NTD
  • Rút kinh nghiệm cho các buổi phỏng vấn tiếp sau (nếu có)

Kỹ năng trả lời phỏng vấn bạn cần biết

a, Giới thiệu phỏng vấn

“Đầu xuôi đuôi lọt” dù đơn giản nhưng bạn hãy lưu ý nhé! Phần này thường diễn ra trong khoảng thời gian 30s, 1 phút, 3 phút trong đó nêu họ tên, quê, tốt nghiệp trường gì và mong muốn nộp đơn xin ứng tuyển cho vị trí nào

Tuy nhiên thế là chưa đủ vì điều này đã có trên CV của bạn, hãy nói kỹ hơn về:

  • Bạn đã từng làm ở đâu, vị trí gì?/ Tốt nghiệp trường nào, ngành gì?
  • Kinh nghiệm làm việc, đã có những kỹ năng gì?/ Hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia, học được kỹ năng gì?
  • Vì sao hứng thú với vị trí này, chứng minh sự phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển và chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp?

b, Nhận diện câu hỏi phỏng vấn

Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

  • Câu hỏi về nghiệp vụ chuyên môn

Mục đích để đánh giá ứng viên về kỹ năng, kiến thức, hiểu biết về công việc, ngành nghề, kinh nghiệm của ứng viên. (Phần mềm bạn sử dụng? Kinh nghiệm của bạn với vị trí này là gì?)

  • Câu hỏi tình huống

Mục đích để dựa trên tình huống hoặc vấn đề tiềm ẩn trong công việc mang tính giả thuyết những vấn đề sẽ gặp trong tương lai và kiểm tra cách tiếp cận và xử lý tình huống của ứng viên. (Bạn sẽ làm gì khi không hài lòng với công việc của mình?)

  • Câu hỏi hành vi

Mục đích để xác định đặc điểm, tính cách có phù hợp với vị trí và văn hóa công ty hay không, đồng thời muốn biết thái độ hoặc ảnh hưởng của bạn trong một trường hợp cụ thể, cũng như phong cách làm việc của bạn. (Kể lại những khó khăn mà bạn đã trải qua trong công việc? Cách giải quyết của bạn?)

  • Câu hỏi cá nhân

Mục đích để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên, cách ứng viên đối xử với người khác và xác định bạn có thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không (Bạn tự thấy mình là người như thế nào? Thời gian rảnh bạn thường làm gì?)

Kết luận

Bảo Việt Nhân thọ hy vọng bài viết sẽ đem lại cho các bạn những thông tin hữu ích. Hãy tiếp tục theo dõi các trang thông tin tuyển dụng chính thức của chúng tôi để sớm nhận được những chương trình đào tạo chuyên sâu và tuyển dụng phù hợp với bạn nhé!